Năng lượng tái tạo là gì?
- Năng lượng tái tạo hay còn gọi năng lượng tái sinh.
- Là nguồn năng lượng sạch.
- Được tạo ra từ những nguồn thiên nhiên hoặc những quy trình tự nhiên được hình thành liên tục như gió, ánh sáng mặt trời, thủy triều, sóng biển, địa nhiệt, sinh khối,…
Lợi ích của năng lượng tái tạo
- Giúp giảm thiểu khí nhà kính và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
- Giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
- Tạo ra hàng triệu việc làm mới trên toàn cầu.
- Giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.
- Tăng cường an ninh năng lượng quốc gia và đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định.
Ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam
- Thời gian qua, ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam thu hút được sự quan tâm đầu tư từ nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
- Về điện mặt trời: Năm 2020, cả nước có 48 dự án đã được công nhận vận hành thương mại COD (Commercial Operation Date) với tổng công suất là 8.652,9MW, trở thành quốc gia có công suất điện mặt trời được lắp đặt toàn diện nhất Đông Nam Á. Tiềm năng phát triển điện mặt trời ở Việt Nam được đánh giá rất lớn. Cường độ bức xạ mặt trời dao động từ 897 – 2108 kWh/m2/năm, tương đương 2,46 và 5,77 kWh/m2/ngày. Cường độ bức xạ cao nhất tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ như Đắk Lắk, Gia Lai, Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh và Bình Phước.
- Về điện gió: Hệ thống điện quốc gia hiện có 146 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với công suất là 8.171,475MW được công nhận vận hành thương mại COD. Các tỉnh phát triển điện gió mạnh ở nước ta như Ninh Thuận, Bạc Liêu, Trà Vinh,…
Tổng sản lượng điện năng lượng tái tạo trong năm 2022 và 2023:
Năm 2022 (MW) | Năm 2023(MW) | |
Điện gió | 5.059 | 5.606 |
Điện mặt trời | 16.568 | 16.710 |
Sinh khối | 395 | 395 |
Thủy điện | 22.999 | 23.227 |
Hiện nay, quy mô thị trường cho các sản phẩm dịch vụ xanh, năng lượng mới ngày càng được mở rộng, là điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ các ngành năng lượng tái tạo. Do đó, thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh trong phát triển năng lượng tái tạo nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm mức phát thải ròng bằng 0 (Net-zero) vào năm 2050, góp phần phát triển nhanh, bền vững và nâng cao vị thế cạnh tranh của nền kinh tế.